Giải Quyết Tranh Chấp Thương Mại Bằng Trọng Tài

Bên cạnh phương thức giải quyết tranh chấp truyền thống tại Tòa án, Trọng tài thương mại ngày càng trở thành một cơ chế phổ biến và được ưa chuộng do tính linh hoạt, bảo mật và khả năng giải quyết tranh chấp chuyên sâu. Luật Trọng tài thương mại 2010 ra đời đã tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho hoạt động Trọng tài tại Việt Nam, giúp các doanh nghiệp và cá nhân có thêm một lựa chọn đáng tin cậy trong việc giải quyết tranh chấp.

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ


1. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;


2. Luật Trọng tài thương mại 2010;


3. Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành một số quy định Luật Trọng tài thương mại.


II. NỘI DUNG


1. Khái niệm Trọng tài thương mại


Khoản 1 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định: “Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận và được tiến hành theo quy định của luật này”. Những tranh chấp phát sinh giữa các bên từ hoạt động thương mại, phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại, hoặc tranh chấp khác mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Trọng tài (Điều 2 Luật Trọng tài Thương mại 2010).


Theo đó, Trọng tài không phải đương nhiên có thẩm quyền giải quyết tranh chấp mà phải do các bên thỏa thuận trao cho. Hình thức thể hiện của thỏa thuận đó là văn bản mang tên gọi “Thỏa thuận Trọng tài” (Khoản 2 Điều 16 Luật Trọng tài thương mại 2010).


2. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài


Theo Điều 4 Luật Trọng tài thương mại 2010 thì nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài bao gồm:


- Trọng tài viên phải tôn trọng thỏa thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm và trái đạo đức xã hội.


- Trọng tài viên phải độc lập, khách quan, vô tư và tuân theo quy định của pháp luật.


- Các bên tranh chấp đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Hội đồng Trọng tài có trách nhiệm tạo điều kiện để họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.


- Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.


- Phán quyết Trọng tài là chung thẩm.


3. Điều kiện giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài


Điều kiện giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài được quy định như sau (Điều 5 Luật Trọng tài thương mại 2010):


- Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận Trọng tài. Thỏa thuận Trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.


- Trường hợp một bên tham gia thoả thuận Trọng tài là cá nhân chết hoặc mất năng lực hành vi, thoả thuận Trọng tài vẫn có hiệu lực đối với người thừa kế hoặc người đại diện theo pháp luật của người đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.


- Trường hợp một bên tham gia thỏa thuận Trọng tài là tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức, thỏa thuận Trọng tài vẫn có hiệu lực đối với tổ chức tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của tổ chức đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.


4. Thỏa thuận Trọng tài


- Định nghĩa: Thỏa thuận trọng tài là thoả thuận giữa các bên về việc giải quyết bằng Trọng tài tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh (Khoản 2 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại 2010).


Những trường hợp có thể xảy ra đối với thỏa thuận trọng tài:


+ Thỏa thuận Trọng tài có hiệu lực;


+ Thỏa thuận Trọng tài không thể thực hiện được (Điều 6 Luật Trọng tài thương mại 2010; Điều 3 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP);


+ Thỏa thuận Trọng tài vô hiệu (Điều 6, Điều 18 Luật Trọng tài thương mại 2010; Điều 3 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP).


- Chức năng: Thỏa thuận trọng tài có chức năng xác lập thẩm quyền của Trọng tài trong việc giải quyết tranh chấp, cũng như loại trừ thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Tòa án trong trường hợp các bên có thỏa thuận Trọng tài và thỏa thuận đó có hiệu lực.


- Hình thức: Thỏa thuận trọng tài có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản Trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng. Thoả thuận Trọng tài phải được xác lập dưới dạng văn bản.


- Tính độc lập: Thoả thuận trọng tài hoàn toàn độc lập với hợp đồng. Việc thay đổi, gia hạn, hủy bỏ hợp đồng, hợp đồng vô hiệu hoặc không thể thực hiện được không làm mất hiệu lực của thoả thuận Trọng tài.



Như vậy, để phương thức giải quyết tranh chấp thương mại bằng Trọng tài phát huy hiệu quả tối đa, các bên tranh chấp cần hiểu rõ và tuân thủ các quy định của pháp luật về Trọng tài thương mại, đặc biệt là về thỏa thuận Trọng tài – yếu tố quyết định thẩm quyền của Trọng tài trong việc giải quyết tranh chấp. Đồng thời, việc hoàn thiện khung pháp lý và nâng cao nhận thức về Trọng tài thương mại sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của hoạt động này tại Việt Nam, tạo môi trường kinh doanh ổn định và minh bạch hơn.

| 👁 75