Nghị Định 77/2008/NĐ-CP Về Tư Vấn Pháp Luật

Ngày 16/7/2008, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành Nghị định số 77/2008/NĐ-CP về tư vấn pháp luật, thay thế Nghị định 65/2003/NĐ-CP ngày 11/6/2003 về tổ chức, hoạt động tư vấn pháp luật. Cấu trúc của Nghị định 77/2008/NĐ-CP gồm: 5 Chương, 29 Điều; có hiệu lực từ ngày 11/08/2008. Sau gần 17 năm thực hiện, Nghị định này vẫn đang được áp dụng để điều chỉnh hoạt động tư vấn pháp luật của các trung tâm tư vấn pháp luật.

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ


1. Nghị định số 77/2008/NĐ-CP về tư vấn pháp luật;


2.  Nghị định 65/2003/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động tư vấn pháp luật (Hết hiệu lực: 11/8/2008);


3. Thông tư số 01/2010/TT-BTP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 77/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 2008 của Chính phủ về tư vấn pháp luật.


4. Thông tư số 04/2003/TT-BTP hướng dẫn một số quy định của nghị định số 65/2003/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động tư vấn pháp luật (Hết hiệu lực: 26/3/2010);


II. NỘI DUNG


1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh


Nghị định 77/2008/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động tư vấn pháp luật của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu chuyên ngành luật. Hoạt động tư vấn pháp luật quy định tại Nghị định này mang tính chất xã hội, không nhằm mục đích thu lợi nhuận. (Điều 1 Nghị định 77/2008/NĐ-CP).


2. Điểm mới của Nghị định 77/2008/NĐ-CP so với Nghị định 65/2003/NĐ-CP


Nghị định 77/2008/NĐ-CP có nhiều điểm mới so với Nghị định 65/2003/NĐ-CP, đặc biệt là trong phạm vi tư vấn, điều kiện thành lập và trách nhiệm của trung tâm tư vấn pháp luật.


Thứ nhất, mở rộng phạm vi tư vấn pháp luật. Trước đây, theo Điều 7 Nghị định 65/2003/NĐ-CP, các trung tâm tư vấn pháp luật chỉ được hướng dẫn, giải đáp pháp luật; tư vấn soạn thảo đơn, di chúc,và các giấy tờ khác; tư vấn soạn thảo hợp đồng có giá trị từ dưới 100 triệu đồng và cung cấp các văn bản pháp luật, thông tin pháp luật. Đồng thời, trung tâm tư vấn pháp luật bị cấm tham gia tố tụng với vai trò bào chữa hoặc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đương sự trước các cơ quan tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, theo Điều 7 Nghị định 77/2008/NĐ-CP, trung tâm tư vấn pháp luật được phép thực hiện tư vấn trong tất cả các lĩnh vực pháp luật, cử luật sư tham gia tố tụng để bào chữa, đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức yêu cầu tư vấn. Ngoài ra, các trung tâm cũng có thể thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định pháp luật.


Thứ hai, tạo điều kiện để thành lập nhiều trung tâm tư vấn pháp luật hơn. Nếu như trước ngày 11/08/2008 chỉ có tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội nghề nghiệp cấp tỉnh, Trung ương mới được thành lập trung tâm tư vấn pháp luật (Điều 4 Nghị định 65/2003/NĐ-CP, Điều 1 Thông tư 04/2003/TT-BTP), thì đến nay, các tổ chức chính trị - xã hội cấp ngành, cấp huyện, cũng như các cơ sở đào tạo, nghiên cứu chuyên ngành có thể thành lập trung tâm tư vấn pháp luật trong phạm địa lý hành chính theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 77/2008/NĐ-CP. Đồng thời, điều kiện về nhân sự để thành lập trung tâm cũng được nới lỏng, chỉ yêu cầu Có ít nhất hai tư vấn viên pháp luật hoặc tư vấn viên pháp luật và một luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hai luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động, thay vì ba tư vấn viên tư vấn pháp luật như trước (khoản 1 Điều 4 Nghị định 65/2003/NĐ-CP; khoản 1 Điều 5 Nghị định 77/2008/NĐ-CP).


Thứ ba, bổ sung quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi tư vấn sai tại điểm d khoản 2 Điều 8, Điều 27 Nghị định 77/2008/NĐ-CP. Theo đó, trung tâm tư vấn pháp luật phải chịu trách nhiệm bồi thường đối với thiệt hại do lỗi của tư vấn viên, luật sư, cộng tác viên gây ra, áp dụng cho cả trường hợp tư vấn miễn phí và tư vấn có thu phí. Đây là điểm khác biệt quan trọng so với quy định tại điểm b khoản 2 Điều 8 Nghị định 65/2003/NĐ-CP, vốn chỉ yêu cầu trung tâm chịu trách nhiệm về việc thực hiện tư vấn mà không đề cập cụ thể đến nghĩa vụ bồi thường thiệt hại.


3. Một số vấn đề trong thực tiễn áp dụng Nghị định 77/2008/NĐ-CP


Thứ nhất, về kinh phí hoạt động. Điều 9 Nghị định 77/008/NĐ-CP và Điều 8 Thông tư 01/2010/TT-BTP quy định các trung tâm tư vấn pháp luật hoạt động theo cơ chế tự trang trải tài chính, với nguồn thu từ kinh phí của tổ chức chủ quản, thù lao từ dịch vụ tư vấn có thu phí, hỗ trợ từ các tổ chức liên quan và tài trợ từ cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trên thực tế, kinh phí do tổ chức chủ quản cấp có phần hạn chế, nguồn thu từ trợ giúp pháp lý cũng có thể bị “cạnh tranh” do phần lớn đối tượng đã được Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước hỗ trợ. Ngoài ra, các cá nhân, tổ chức có nhu cầu tư vấn pháp luật thường tìm đến luật sư hoặc tổ chức hành nghề luật sư để được tư vấn chuyên sâu, khiến nguồn thu từ hoạt động tư vấn có phí không đủ để duy trì trung tâm. Những vấn đề ngày có thể khiến các trung tâm tư vấn pháp luật rơi vào tình trạng thiếu kinh phí hoạt động, khó duy trì lâu dài.


Thứ hai, về nhân sự. Theo khoản 1 Điều 5 Nghị định 77/2008/NĐ-CP thì mỗi trung tâm tư vấn pháp luật phải có ít nhất hai tư vấn viên pháp luật hoặc tư vấn viên pháp luật và một luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hai luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động. Tuy nhiên, cơ chế này tồn tại sự chồng chéo về quyền lợi khi một luật sư vừa làm việc tại trung tâm tư vấn pháp luật vừa hành nghề tại một tổ chức luật sư khác, làm dấy lên lo ngại về khả năng lôi kéo khách hàng. Điều này ảnh hưởng đến tính minh bạch và chuyên nghiệp trong hoạt động tư vấn pháp luật.


Tóm lại, Nghị định 77/2008/NĐ-CP vẫn đang đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh hoạt động tư vấn pháp luật, giúp mở rộng phạm vi tư vấn, tạo điều kiện thành lập nhiều trung tâm hơn và tăng cường trách nhiệm của các tổ chức tư vấn. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng cũng cho thấy một số khó khăn về kinh phí và nhân sự, đặt ra yêu cầu cần có sự điều chỉnh, bổ sung phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn pháp luật trong bối cảnh hiện nay.

| 👁 25

Bình luận