1. Nghị định 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo;
2. Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình;
3. Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.
1. Quy định về việc cá nhân kêu gọi quyên góp từ thiện hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo
Pháp luật Việt Nam cho phép cá nhân tiếp nhận và sử dụng tiền quyên góp để hỗ trợ trực tiếp bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo theo khoản 2 Điều 23 Nghị định 93/2021/NĐ-CP. Cá nhân kêu gọi từ thiện phải tổng hợp, công khai thông tin về kết quả tiếp nhận, sử dụng tiền quyên góp trên các phương tiện truyền thông.
Khoản 2 Điều 24 Nghị định 93/2021/NĐ-CP quy định chi phí vận động, tiếp nhận, phân phối tiền từ thiện do cá nhân tự chi trả. Nếu được sự đồng ý của người đóng góp, khoản chi này có thể trích từ quỹ quyên góp nhưng phải công khai, minh bạch.
Theo khoản 2, 3 Điều 5 Nghị định 93/2021/NĐ-CP, cá nhân không được cung cấp thông tin sai sự thật, chiếm đoạt, sử dụng sai mục đích hoặc trục lợi từ hoạt động từ thiện. Họ có trách nhiệm sử dụng tiền đúng mục đích, đảm bảo tính minh bạch. Tuy nhiên, pháp luật chỉ yêu cầu công khai đầy đủ nhưng chưa có quy định cụ thể về mức độ chi tiết của việc công khai.
Do đó, người đóng góp chỉ có quyền giám sát và yêu cầu người kêu gọi sử dụng tiền đúng cam kết, nhưng không thể bắt buộc người kêu gọi thực hiện các hành động cụ thể liên quan đến vấn đề công khai. Trong trường hợp nghi ngờ gian lận, người đóng góp có thể đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc xác minh và xử lý theo quy định.
2. Xử lý vi phạm trong hoạt động kêu gọi từ thiện của cá nhân
Thứ nhất, xử lý hình sự.
Theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, nếu cá nhân ngay từ đầu có ý định lừa đảo, kêu gọi từ thiện để chiếm đoạt tài sản từ 2.000.000 đồng trở lên (hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc các trường hợp luật định) thì cá nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với mức phạt cao nhất là tù chung thân.
Theo Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, nếu ban đầu việc kêu gọi của cá nhân là hợp pháp nhưng sau đó cá nhân sử dụng thủ đoạn gian dối (như giả mạo sao kê, không chuyển đủ tiền nhận được) để chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng trở lên (hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng thuộc các trường hợp luật định) thì cá nhân có thể bị truy cứu về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với mức phạt cao nhất là 20 năm tù.
Ngoài hình phạt tù, người phạm một trong hai tội này có thể bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Thứ hai, xử lý hành chính.
Trường hợp cá nhân chiếm đoạt tài sản từ hoạt động kêu gọi từ thiện ủng hộ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo nhưng hành vi chưa chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có thể bị xử phạt hành chính. Theo điểm c khoản 1, khoản 3 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP: “Nếu cá nhân dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả” thì bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm; và bị trục xuất nếu là người nước ngoài.
Tóm lại, hoạt động cá nhân kêu gọi từ thiện để giúp đỡ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo là một nghĩa cử cao đẹp trong xã hội. Pháp luật nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng lòng tốt của người khác để trục lợi. Do đó, minh bạch trong hoạt động thiện nguyện không chỉ là trách nhiệm pháp lý mà còn là đạo đức, giúp duy trì niềm tin của cộng đồng và mang lại hy vọng cho những người thực sự cần được giúp đỡ.
Bình luận