Tư Vấn Pháp Luật

Trước bối cảnh Việt Nam đang chủ động hội nhập quốc tế mạnh mẽ, tư vấn pháp luật là loại hình dịch vụ pháp lý có vai trò quan trọng và phổ biến trong xã hội. Hiện nay, các tổ chức hành nghề luật sư ở Việt Nam thường tập trung vào các lĩnh vực hoạt động tư vấn pháp luật chính sau đây: Giao dịch thương mại, đầu tư nước ngoài và hoạt động công ty, Tài chính - ngân hàng; Sở hữu trí tuệ;...

I. CỞ SỞ PHÁP LÝ


1. Luật Luật sư 2006 sửa đổi, bổ sung năm 2012, 2015;


2. Luật doanh nghiệp năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành;


3. Luật Đầu tư năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành;


4. Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019 và 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành;


II. NỘI DUNG


1. Khái niệm tư vấn pháp luật


Tư vấn pháp luật là một trong những hoạt động của dịch vụ pháp lý luật sư và thuộc phạm vi hành nghề của luật sư (Điều 4, khoản 3 Điều 22 Luật Luật sư năm 2006 sửa đổi, bổ sung năm 2012, 2015). Căn cứ Điều 28 Luật Luật sư 2006 sửa đổi, bổ sung năm 2012, 2015 thì tư vấn pháp luật là việc Luật sư hướng dẫn, đưa ra ý kiến, giúp khách hàng soạn thảo các giấy tờ liên quan đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của họ; Luật sư thực hiện tư vấn pháp luật trong tất cả các lĩnh vực pháp luật; khi thực hiện tư vấn pháp luật, Luật sư phải giúp khách hàng thực hiện đúng pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng.

 

Như vậy, về nguyên tắc, Luật sư được quyền tham gia tư vấn, giải quyết các vụ, việc trong tất cả các lĩnh vực pháp luật như tài chính, ngân hàng, đầu tư, lao động, sở hữu trí tuệ,... Tuy nhiên, đối với một số lĩnh vực pháp luật đặc thù, Luật sư cần phải đáp ứng một số điều kiện nhất định để được tư vấn pháp luật. Điển hình, để  tư vấn về vấn đề liên quan đến thủ tục xác lập và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp thì  tổ chức hành nghề luật sư phải có ít nhất một cá nhân có Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp (theo điểm b khoản 1 Điều 151, khoản 1 Điều 154 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019 và 2022).


2. Đặc điểm của tư vấn pháp luật


Nhìn chung, tư vấn pháp luật có những đặc điểm phổ biến sau:


Thứ nhất, giúp tìm ra giải pháp cụ thể cho vấn đề pháp lý của khách hàng.


Khách hàng đến gặp Luật sư trong khi có một vấn đề pháp lý cụ thể cần giải quyết. Khi tư vấn cho khách hàng, bằng sự trung thực và cái nhìn toàn diện, Luật sư nêu rõ giải pháp hoặc các công việc cần thiết mà khách hàng nên làm để giải quyết vấn để pháp lý. Theo đó, Luật sư có thể giải đáp chuỗi các câu hỏi: Khách hàng có được phép làm hay không? Nếu có thì khách hàng phải làm như thế nào? Có hậu quả pháp lý gì với khách hàng nếu vi phạm pháp luật liên quan?…


Thứ hai, đưa ra ý kiến tư vấn thực tế, khả thi và có thể thực hiện được.


Ý kiến tư vấn của Luật sư cần có tính khả thi và căn cứ trên điều kiện thực tế của khách hàng. Để tăng tính thực tế, Luật sư phải giải thích rõ ràng chi phí, lợi ích hoặc biện pháp xử lý rủi ro liên quan đến ý kiến tư vấn để khách hàng có sự lựa chọn phù hợp nhất đối với các giải pháp mà Luật sư đưa ra.


Thứ ba, tư vấn với trách nhiệm, sự tận tậm.


Luật sư luôn đặt quyền lợi chính đáng của khách hàng lên trên hết và có trách nhiệm với công việc của mình. Chính vì vậy, kỹ năng quản lý thời gian, sắp xếp công việc để có thể hỗ trợ khách hàng khi cấp thiết rất quan trọng đối với Luật sư. Trách nhiệm của Luật sư khi tư vấn pháp luật cho khách hàng là bảo đảm hoàn thành các công việc trong thời hạn được giao nhằm bảo vệ tốt nhất quyền lợi hợp pháp của khách hàng.


Thứ tư, giới hạn trách nhiệm pháp lý của Luật sư khi tư vấn pháp luật. 


Trước hết, Luật sư có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng dịch vụ pháp lý ký với khách hàng, đảm bảo không vi phạm Luật Luật sư, các quy định chuyên ngành và Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam. Nếu vi phạm, luật sư có thể bị yêu cầu bồi thường thiệt hại. Tiếp theo, luật sư chỉ chịu trách nhiệm với nội dung tư vấn dựa trên những thông tin thực tế mà khách hàng cung cấp, Luật sư không có nghĩa vụ đảm bảo tính chính xác, đầy đủ tuyệt đối của những thông tin do khách hàng cung cấp cho Luật sư.


Tóm lại, hoạt động tư vấn pháp luật không chỉ giúp khách hàng hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình mà còn góp phần đảm bảo sự tuân thủ pháp luật, giảm thiểu rủi ro pháp lý trong các giao dịch và hoạt động kinh doanh. Trong tương lai, tư vấn pháp luật sẽ tiếp tục phát triển, đóng góp tích cực vào việc xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mọi đối tượng trong xã hội.



| 👁 7

Bình luận