Tư Vấn Pháp Luật Dân Sự Là Gì?

Trong đời sống hàng ngày, các quan hệ dân sự luôn xuất hiện và có thể tiềm ẩn rủi ro pháp lý dẫn đến phát sinh tranh chấp. Chính vì vậy, dịch vụ tư vấn pháp luật dân sự đóng vai trò quan trọng trong việc giúp cá nhân, tổ chức hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình, đồng thời đảm bảo các giao dịch, quan hệ dân sự được thực hiện theo đúng quy định pháp luật.

1. Tư vấn pháp luật dân sự là gì?


Điều 1 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về phạm vi điều chỉnh như sau: “Bộ luật này quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm (sau đây gọi chung là quan hệ dân sự)”. Theo đó, có hai nhóm quan hệ xã hội là đối tượng điều chỉnh của luật dân sự gồm: Quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân trong dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động. Cụ thể:


Về quan hệ tài sản: Theo Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 thì tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền về tài sản. Quyền về tài sản tài sản là các quyền phát sinh trong quá trình sử dụng tài sản như quyền chuyển giao quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở,… Quan hệ tài sản phát sinh trong hầu hết các lĩnh vực hoạt động khác nhau của đời sống xã hội. Luật dân sự không điều chỉnh tất cả mối quan hệ tài sản trong xã hội (ví dụ mối quan hệ tài sản có mặt trong lĩnh vực tài chính ngân sách nhà nước sẽ có phương pháp điều chỉnh khác).


Về quan hệ nhân thân: Theo khoản 1 Điều 25 Bộ luật Dân sự 2015 thì quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật này là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Quan hệ nhân thân là quan hệ giữa các chủ thể pháp luật dân sự về quyền nhân thân. Bộ luật Dân sự 2015 liệt kê các quyền nhân thân của cá nhân: quyền bảo vệ nhân thân; quyền thay đổi họ, tên; quyền được xác định dân tộc, quyền được khai sinh, khai tử; quyền xác định lại giới tính; quyền của cá nhân đối với hình ảnh, quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín;…


Như vậy, tư vấn pháp luật dân sự là dịch vụ tư vấn về các vấn đề pháp lý phát sinh trong quan hệ dân sự được điều chỉnh bởi ngành luật dân sự như: quan hệ pháp luật về hợp đồng, bồi thường thiệt hại, thừa kế, quyền tác giả, quyền liên quan, kinh doanh thương mại, hôn nhân gia đình, đất đai,…


2. Một số dịch vụ tư vấn pháp luật dân sự


Dịch vụ tư vấn pháp luật dân sự phát triển đa dạng theo sự phong phú của những mối quan hệ xã hội thuộc các lĩnh vực được luật dân sự điều chỉnh. Các dịch vụ tư vấn pháp luật dân sự có thể kể đến như:


- Hợp đồng: Tư vấn soạn thảo hợp đồng (mua bán hàng hóa, góp vốn, hợp tác kinh doanh, liên doanh, đại lý, môi giới, nhượng quyền thương mại, thuê nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, vay vốn, ủy quyền, công nghệ, dịch vụ, ủy thác hàng hóa, lao động,…


- Đất đai: Tư vấn các quy định pháp luật đất đai liên quan đến quyền sử dụng đất như: tặng cho, thừa kế, chuyển nhượng, chuyển đổi, thế chấp, giao đất, cho thuê đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; tư vấn khiếu nại liên quan đến pháp luật đất đai về thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng; Tư vấn, soạn thảo đơn khởi kiện và hướng dẫn thủ tục khởi kiện tranh chấp đất đai và tranh chấp liên quan đến đất đai.


- Hôn nhân gia đình: Tư vấn các quy định đặc thù của pháp luật hôn nhân và gia đình; Tư vấn ly hôn, chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân, quyền nuôi con chung khi ly hôn; tư vấn thủ tục khai sinh, nhận cha mẹ con, nhận con nuôi;…


- Lao động: Tư vấn các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực lao động; Tư vấn về hợp đồng lao động, đề xuất ý kiến chỉnh sửa; Tư vấn về nội quy lao động; kỷ luật lao động trong doanh nghiệp.


- Thừa kế: Tư vấn các quy định chung của pháp luật về thừa kế; tư vấn soạn thảo di chúc; tư vấn thủ tục thừa kế theo di chúc, phân chia di sản thừa kế; Tư vấn các hình thức khởi kiện để bảo vệ quyền lợi;…


- Sở hữu trí tuệ: Tư vấn thủ tục khiếu nại, khởi kiện khi bị xâm phạm quyền sử hữu trí tuệ; tư vấn khách hàng quy định về xác lập, đăng ký bảo hộ quyền tác giả, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, sáng chế, giải pháp hữu ích, chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam; tư vấn gia hạn thời gian bảo hộ tác phẩm tại Việt Nam; tư vấn các hình thức thương mại hóa các quyền sở hữu trí tuệ theo quy định pháp luật;…


Như vậy, việc tìm kiếm sự tư vấn từ các chuyên gia pháp lý không chỉ giúp giải quyết tranh chấp hiệu quả mà còn góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mỗi cá nhân, tổ chức. Vì vậy, khi gặp bất kỳ vướng mắc nào liên quan đến pháp luật dân sự, việc tham khảo ý kiến từ luật sư hoặc chuyên viên pháp lý sẽ là một giải pháp tối ưu để đảm bảo an toàn pháp lý.

| 👁 103