1. Luật Luật sư 2006 sửa đổi, bổ sung 2015.
1. Hoạt động tham gia tố tụng của luật sư
Hoạt động tham gia tố tụng của luật sư được quy định tại Điều 27 Luật Luật sư 2006 sửa đổi, bổ sung 2015. Theo đó, hoạt động tham gia tố tụng của luật sư phải tuân theo quy định của pháp luật về tố tụng và Luật Luật sư. Cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan nhà nước khác và tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư thực hiện quyền và nghĩa vụ của luật sư khi hành nghề, không được cản trở hoạt động hành nghề của luật sư.
Ví dụ: Luật sư tham gia tố tụng trong vụ án hình sự với tư cách là người bào chữa cho bị cáo; luật sư tham gia tố tụng trong vụ án dân sự với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;…
2. Hoạt động tư vấn pháp luật của luật sư
Hoạt động tư vấn pháp luật của luật sư được quy định tại Điều 28 Luật Luật sư 2006 sửa đổi, bổ sung 2015. Theo đó, luật sư khi thực hiện hoạt động tư vấn pháp luật sẽ hướng dẫn, đưa ra ý kiến, giúp khách hàng soạn thảo các giấy tờ liên quan đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của khách hàng một cách đúng pháp luật nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng. Luật sư thực hiện tư vấn pháp luật trong tất cả các lĩnh vực pháp luật.
Ví dụ: Tư vấn hợp đồng lao động, thừa kế, ly hôn, thành lập doanh nghiệp,…
3. Hoạt động đại diện ngoài tố tụng của luật sư
Hoạt động đại diện ngoài tố tụng của luật sư được quy định tại Điều 29 Luật Luật sư 2006 sửa đổi, bổ sung 2015. Theo đó, luật sư sẽ đại diện cho khách hàng để giải quyết các công việc có liên quan đến việc mà luật sư đã nhận theo phạm vi, nội dung được ghi trong hợp đồng dịch vụ pháp lý hoặc theo sự phân công của cơ quan, tổ chức nơi luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động.
Ví dụ: Thay mặt khách hàng: thực hiện đàm phán các giao dịch dân sự với đối tác; đại diện ủy quyền nhận tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư; đại diện cho bị hại thương lượng làm việc với bị can, gia đình bị can;…
4. Hoạt động dịch vụ pháp lý khác của luật sư
Hoạt động dịch vụ pháp lý khác của luật sư được quy định tại Điều 30 Luật Luật sư 2006 sửa đổi, bổ sung 2015. Theo đó, dịch vụ pháp lý khác của luật sư bao gồm giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc liên quan đến thủ tục hành chính; giúp đỡ về pháp luật trong trường hợp giải quyết khiếu nại; dịch thuật, xác nhận giấy tờ, các giao dịch và giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc khác theo quy định của pháp luật.
Ví dụ: Kiểm tra pháp lý của bất động sản, soạn thảo hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng nhượng đất, xin cấp giấy phép xây dựng, hoàn công,…
Dịch vụ pháp lý của luật sư đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của các bên, đảm bảo tính minh bạch, công bằng trong các hoạt động xã hội, giúp khách hàng tiết kiệm thời gian, công sức và đáp ứng nhu cầu của khách hàng một cách hiệu quả.