Hành Vi Tự ý Đổi Chỗ Trên Máy Bay Có Thể Bị Xử Phạt Như Thế Nào?

Trong quá trình di chuyển bằng đường hàng không, nhiều hành khách có thói quen tự ý đổi chỗ ngồi trên máy bay vì lý do cá nhân, chẳng hạn như muốn ngồi gần người thân hoặc tìm chỗ ngồi thoải mái hơn. Tuy nhiên, hành động tưởng chừng đơn giản này có thể dẫn đến những hậu quả pháp lý và chế tài xử phạt nghiêm khắc

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ


1. Bộ luật Dân sự 2015;


2. Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 sửa đổi, bổ sung năm 2014;


3. Nghị định 162/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng.


II. NỘI DUNG


1. Tại sao tự ý đổi ghế trên máy bay sẽ bị phạt?


Trước hết, hành khách trên chuyến bay dân dụng không có quyền tự ý đổi chỗ ngồi trên máy bay theo hợp đồng vận chuyển hành khách đã giao kết.

Hiện nay, để trở thành hành khách trên chuyến bay thì người có nhu cầu phải mua vé hành khách, đây là chứng từ vận chuyển hành khách bằng đường hàng không và là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 144 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 sửa đổi, bổ sung năm 2014. Hợp đồng vận chuyển sẽ bao gồm thỏa thuận của hành khách về chỗ ngồi (số ghế), cũng như hành khách phải xác nhận đồng ý thực hiện theo Điều lệ vận chuyển của hãng hàng không tương ứng. Thông thường, điều lệ của mỗi hãng hàng không sẽ bao gồm quy định về việc thay đổi chỗ ngồi, ví dụ về điều lệ thường gặp: “Hãng hàng không có quyền thay đổi chỗ ngồi của hành khách bất kỳ lúc nào, ngay cả khi hành khách đã lên tàu bay. Việc thay đổi này có thể là bắt buộc vì các nguyên nhân an toàn, quy định của Nhà chức trách, sức khỏe của hành khách hoặc vì lý do an ninh.”. Như vậy, việc tự ý đổi ghế ngồi trên chuyến bay của hành khách mà không được hãng hàng không cho phép là hành vi vi phạm hợp đồng vận chuyển đã ký kết.


Tiếp theo, hành khách có nghĩa vụ tuân thủ theo các hướng dẫn của hãng hàng không theo quy định pháp luật và Điều lệ vận chuyển của hãng hàng không.


Căn cứ khoản 1, khoản 2 Điều 148 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì hành khách có nghĩa vụ thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn hàng không, an ninh hàng không; thực hiện theo sự chỉ dẫn của người vận chuyển trong quá trình vận chuyển. Theo đó, hành khách cố ý tự đổi chỗ ngồi trên máy bay là không tuân thủ hợp đồng vận chuyển đã thỏa thuận. Khi thành phần tổ bay nhắc nhở, hướng dẫn chỗ ngồi nhưng hành khách có một trong những hành vi như: từ chối thực hiện, phản kháng, gây mất trật tự,… thì sẽ bị coi là không thực hiện sự chỉ dẫn của người vận chuyển trong quá trình vận chuyển.


Như vậy, việc xử phạt đối với hành khách tự ý đổi chỗ ngồi trên máy bay là do hành vi này đã vi phạm thỏa thuận vận chuyển của hành khách và người vận chuyển; vi phạm nghĩa vụ về thực hiện theo sự chỉ dẫn của người vận chuyển trong quá trình vận chuyển theo quy định tại Điều 148 Luật hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2014.


2. Quy định xử phạt đối với hành vi tự ý đổi ghế trên máy bay


Thứ nhất, về dân sự.


Trước hết, hành vi tự ý đổi chỗ ngồi trên máy bay là hành vi vi phạm hợp đồng của hành khách đối với người vận chuyển. Theo đó, tùy theo nội dung hợp đồng đã giao kết mà hành khách có thể sẽ phải chịu các khoản tiền phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại hoặc các biện pháp áp dụng riêng của từng hãng hàng không theo Điều lệ của hãng và theo quy định của pháp luật. Đơn cử, theo Điều 146 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì hãng hàng không có quyền từ chối vận chuyển hành khách có vé và đã được xác nhận chỗ trên chuyến bay hoặc đang trong hành trình bay vì lý do “Hành khách không chấp hành quy định về bảo đảm an toàn hàng không, an ninh hàng không, khai thác vận chuyển hàng không” hoặc “Hành khách có hành vi làm mất trật tự công cộng, uy hiếp an toàn bay hoặc gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người khác”.


Ngoài ra, việc tự ý đổi chỗ ngồi của hành khách với hành khách khác cũng là đang xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Nếu đáp ứng các điều kiện về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định pháp luật, người có hành vi xâm phạm có thể phải chịu các khoản bồi thường theo cơ chế bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng căn cứ vào các quy định liên quan tại Chương XX Bộ luật Dân sự 2015.


Thứ hai, về xử phạt hành chính. Theo điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định 162/2018/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về khai thác tàu bay thì hành vi “Không tuân theo hướng dẫn về bảo đảm trật tự, an ninh, an toàn hàng không, phòng chống dịch bệnh của thành viên tổ bay” sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.


3. Mức độ nguy hiểm khi tự ý đổi chỗ ngồi trên máy bay


Ngoài việc bị từ chối vận chuyển, bị phạt tiền theo quy định pháp luật thì tự ý đổi chỗ ngồi trên máy bay còn tiềm ẩn những nguy hiểm như:


- Gây mất trật tự, an toàn chung cho toàn bộ chuyến bay.


- Gây khó khăn cho hãng hàng không khi xác minh thông tin trong những trường hợp như: truy cứu trách nhiệm do trộm cắp, hư hỏng thiết bị, cung cấp các dịch vụ đã được đăng ký, hành khách mất nhận thức vì lý do sức khỏe trong quá trình vận chuyển,…


- Ảnh hưởng đến mục đích phân bố trọng tải của hãng hàng không.


Tóm lại, việc tự ý đổi ghế trên máy bay không chỉ vi phạm hợp đồng vận chuyển giữa hành khách và hãng hàng không mà còn có thể gây ảnh hưởng đến an toàn bay, trật tự trên chuyến bay và quyền lợi của các hành khách khác. Hành vi này có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí bị từ chối vận chuyển trong những trường hợp nghiêm trọng. Do đó, để đảm bảo quyền lợi cá nhân cũng như tuân thủ các quy định pháp luật, hành khách nên tôn trọng vị trí chỗ ngồi đã được sắp xếp hoặc tuân theo hướng dẫn của hãng hàng không khi có nhu cầu thay đổi chỗ. Việc tuân thủ quy định không chỉ giúp chuyến bay diễn ra suôn sẻ mà còn góp phần đảm bảo an toàn hàng không cho tất cả mọi người.


| 👁 96