Luật Đất đai Việt Nam đã trải qua 09 lần sửa đổi bổ sung, cụ thể như sau:
- Năm 1987: Ban hành Luật Đất đai năm 1987;
- Năm 1993: Ban hành Luật Đất đai năm 1993;
- Năm 1988: Ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 1993;
- Năm 2001: Ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 1993;
- Năm 2003: Ban hành Luật Đất đai năm 2003;
- Năm 2009: Ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 2003;
- Năm 2013: Ban hành Luật Đất đai năm 2013;
- Năm 2018: Ban hành Luật sửa đổi 37 Luật có liên quan đến quy hoạch;
- Năm 2024: Ban hành Luật Đất đai năm 2024.
Theo đó, Luật Đất đai số 31/2024/QH15 (Luật Đất đai năm 2024) được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp bất thường lần thứ năm thông qua ngày 18/01/2024, được xây dựng dựa trên các quan điểm sau:
- Thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW và các nghị quyết, kết luận của Đảng về quản lý và sử dụng đất;
- Đảm bảo kế thừa, ổn định, phát triển của hệ thống pháp luật đất đai; sửa đổi, bổ sung các quy định chưa phù hợp với thực tiễn;
- Đảm bảo đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về đất đai với các pháp luật có liên quan; hoàn thiện các chế định để quản lý đất đai theo chức năng là tài nguyên, tài sản, nguồn lực cả về diện tích, chất lượng, không gian sử dụng;
- Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đồng thời thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực của cơ quan và người có thẩm quyền trong quản lý đất đai. Tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp và Nhân dân;
- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; chuyển trọng tâm từ quản lý bằng công cụ hành chính sang sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế để thúc đẩy sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững;
- Hiện đại hóa, chuyển đổi số công tác quản lý đất đai dựa trên hệ thống thông tin, dữ liệu đất đai thống nhất, tập trung, phục vụ đa mục tiêu kết nối từ Trung ương đến địa phương, quản lý biến động đến từng thửa đất.
Luật Đất đai năm 2024 có cấu trúc gồm 16 chương, 260 điều. Trong đó, tăng 02 chương so với Luật Đất đai năm 2013; bổ sung 01 Chương về phát triển Quỹ đất; tách riêng Chương về Thu hồi đất, trung dụng đất và Chương về Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; sửa đổi, bổ sung 180 điều; bổ sung mới 78 điều, bỏ 30 điều (do gộp 13 điều, bỏ 13 điều, tách 4 điều). Cụ thể như sau:
- Chương I - Quy định chung: Gồm 11 điều luật, từ Điều 1 đến Điều 11.
- Chương II - Quyền và trách nhiệm của nhà nước, công dân đối với đất đai: Gồm 03 Mục, 13 điều luật, từ Điều 12 đến Điều 25.
- Chương III - Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất: Gồm 05 Mục, 22 điều luật, từ Điều 26 đến Điều 48.
- Chương IV - Địa giới hành chính, điều tra cơ bản về đất đai: Gồm 03 Mục, 10 điều luật, từ Điều 49 đến Điều 59.
- Chương V - Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: Gồm 17 điều luật, từ Điều 60 đến Điều 77.
- Chương VI - Thu hồi, trưng dụng đất: Gồm 12 điều luật, từ Điều 78 đến Điều 90.
- Chương VII - Bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất: Gồm 05 Mục, 20 điều luật, từ Điều 91 đến Điều 111.
- Chương VIII - Phát triển quỹ đất: Gồm 03 điều luật, từ Điều 112 đến Điều 115.
- Chương IX - Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất: Gồm 11 điều luật, từ Điều 116 đến Điều 127.
- Chương X - Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất: Gồm 03 Mục, 14 điều luật, từ Điều 128 đến Điều 152.
- Chương XI - Tài chính về đất: Gồm 02 Mục, 09 điều luật, từ Điều 153 đến Điều 162.
- Chương XII - Hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai: Gồm 07 điều luật, từ Điều 163 đến Điều 170.
- Chương XIII - Chế độ sử dụng các loại đất: Gồm 02 Mục, 51 điều luật, từ Điều 171 đến Điều 222.
- Chương XIV - Thủ tục hành chính về đất đai: Gồm 06 điều luật, từ Điều 223 đến Điều 229.
- Chương XV - Giám sát; thanh tra, kiểm tra; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai: Gồm 02 Mục, 12 điều luật, từ Điều 230 đến Điều 242.
- Chương XVI - Điều khoản thi hành: Gồm 07 điều luật, từ Điều 243 đến Điều 260.
Trên cơ sở thể chế hóa 05 quan điểm; xác định 03 mục tiêu tổng quát, 06 mục tiêu cụ thể 06 nhóm giải pháp, 08 nhóm chính sách lớn trong hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về đất đai của Nghị quyết 18-NQ/TW, Luật Đất đai năm 2024 có những nội dung mới quan trọng đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển kinh tế - xã hội nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Theo đó, Luật Đất đai 2024 được xây dựng hướng đến những mục tiêu cụ thể như sau:
Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến đất đai.
Thứ hai, tháo gỡ vướng mắc của thực tiễn. Giải quyết các vấn đề vướng mắc, tồn tại từ thực tiễn công tác quản lý, sử dụng đất. Tăng cường quản lý đất đai cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế.
Thứ ba, cân bằng lợi ích các chủ thể trong quan hệ đất đai. Đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.
Thứ tư, phát triển thị trường bất động sản. Thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản minh bạch, lành mạnh.
Thứ năm, nâng cao chất lượng, quản lý đất đai. Thiết lập hệ thống quản lý đất đai hiện đại, minh bạch, hiệu quả, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai. Phát huy dân chủ, hạn chế tình trạng khiếu kiện về đất đai.
Tóm lại, từ những thay của Luật Đất đai năm 2024 có thể thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc hiện đại hóa quản lý đất đai, thúc đẩy chuyển đổi số và cải cách thủ tục hành chính. Việc triển khai hiệu quả luật này sẽ là tiền đề quan trọng để khai thác tối đa tiềm năng đất đai, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đưa Việt Nam vững bước trên con đường trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao.