Tác Động Của Thông Tư 29/2024/TT-BGDĐT Đối Với Giáo Viên, Học Sinh Và Các Cơ Sở Dạy Thêm Ngoài Nhà Trường

Ngày 14/02/2025, Thông tư 29/2024/TT-BGD quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực, thay thế Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT. Lần thay đổi về quy định dạy thêm, học thêm này đã đưa ra những điều chỉnh quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến giáo viên, học sinh và phụ huynh.

I. CỞ SỞ PHÁP LÝ


1. Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm.


2. Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT ban hành quy định về dạy thêm, học thêm (Hết hiệu lực từ ngày 14/02/2025).


II. NỘI DUNG


1. Tác động đối với giáo viên


Thứ nhất, giáo viên vẫn được dạy thêm ngoài nhà trường nhưng phải tuân thủ các quy định sau:


- Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường (Khoản 2 Điều 4 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT).


- Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lí, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường (Khoản 3 Điều 4 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT).


- Người dạy thêm ngoài nhà trường phải bảo đảm có phẩm chất đạo đức tốt; có năng lực chuyên môn phù hợp với môn học tham gia dạy thêm (Khoản 2 Điều 6 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT).


Thứ hai, giáo viên có trách nhiệm hỗ trợ công tác giám sát hoạt động dạy thêm theo khoản 3 Điều 6 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT. Theo đó, giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với Hiệu trưởng hoặc Giám đốc hoặc người đứng đầu nhà trường về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm.


2. Tác động đối với học sinh


Thứ nhất, bảo đảm quyền tự nguyện tham gia học thêm của học sinh. 


- Dạy thêm, học thêm chỉ được tổ chức khi học sinh, học viên có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được cha mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. Nhà trường, tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm (Khoản 1 Điều 3 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT).


- Ngăn chặn những tác động tiêu cực ảnh hưởng đến quyết định học thêm của học sinh bằng quy định: Không cắt giảm nội dung dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường để đưa vào dạy thêm (khoản 3 Điều 3 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT); không xếp giờ dạy thêm xen kẽ với thời khóa biểu và không dạy thêm trước các nội dung so với việc dạy học theo phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường (Điểm b khoản 4 Điều 5 Nghị định 29/2024/NĐ-CP).


Thứ hai, hạn chế tình trạng học tập quá tải do học thêm ngoài giờ.


-  Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống (Khoản 1 Điều 4 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT).


- Về việc học thêm, dạy thêm trong nhà trường: Mỗi môn học được tổ chức dạy thêm không quá 02 (hai) tiết/tuần. (Điểm c khoản 4 Điều 5 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT).


Thứ ba, mức học phí được công khai minh bạch theo Điều 7 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT:


- Kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Mức thu tiền học thêm ngoài nhà trường do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh, học sinh với cơ sở dạy thêm.


- Việc thu, quản lý, sử dụng tiền học thêm thực hiện theo quy định của pháp luật về tài chính, ngân sách, tài sản, kế toán, thuế và các quy định khác có liên quan.


- Mỗi cơ sở dạy thêm ngoài nhà trường phải niêm yết công khai mức học phí, tránh việc thu phí bất hợp lý.


3. Tác động đối với cơ sở dạy thêm ngoài nhà trường


Quy định mới nhất tại Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT có những tác động nhất định đối với các tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh. Theo đó, bên cạnh việc thực hiện các quy định về dạy thêm, học thêm tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan, những cơ sở dạy thêm ngoài nhà trường cần lưu ý các vấn đề cụ thể sau:


Thứ nhất, theo Điều 6 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT, các cơ sở dạy thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; và công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về các môn học được tổ chức dạy thêm; thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm.


Thứ hai, theo Điều 14 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT thì cơ sở dạy thêm có trách nhiệm quản lý và bảo đảm chất lượng dạy thêm, học thêm và quyền lợi của học sinh học thêm, người dạy thêm; quản lý, sử dụng tiền học thêm theo quy định; quản lý, lưu giữ hồ sơ tổ chức dạy thêm, học thêm theo quy định; báo cáo, giải trình về việc thực hiện quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan với các cơ quan chức năng khi được yêu cầu.


Thứ ba, đối với các cơ sở dạy thêm là những tổ chức, cá nhân đã đăng ký và đang thực hiện hoạt kinh doanh. Để đảm bảo quá trình vận hành hợp pháp, các cơ sở này cần có động thái rà soát, cập nhật tình hình nhân sự nhằm đảm bảo đội ngũ giáo viên tại cơ sở đáp ứng yêu cầu về trình độ; yêu cầu của pháp luật về việc giáo viên không đồng thời dạy thêm đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học.



Nhìn chung, Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT đã có những tác động sâu sắc đến giáo viên, học sinh và các cơ sở dạy thêm ngoài nhà trường. Quy định mới góp phần tăng cường sự minh bạch, công bằng trong giáo dục, hạn chế các tiêu cực trong việc dạy thêm, học thêm, đồng thời bảo vệ quyền lợi của học sinh và phụ huynh. Việc triển khai nghiêm túc những quy định này sẽ góp phần tạo ra một môi trường học tập lành mạnh, giảm áp lực học tập không cần thiết, đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục một cách bền vững.

| 👁 158