Thêm, Thay Đổi Tên Cha Trên Giấy Khai Sinh Sau Khi Nhận Cha - Con Có Được Không?

Trong thực tế, có nhiều trường hợp cần bổ sung thông tin người cha trên giấy khai sinh do trước đó chưa khai đầy đủ hoặc cần điều chỉnh do những thay đổi về quan hệ cha, con. Việc bổ sung hoặc thay đổi thông tin về cha trên giấy khai sinh phải tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành nhằm đảm bảo tính chính xác và hợp pháp.

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ


1. Bộ luật Dân sự 2015;


2. Luật Hộ tịch 2014;


3. Nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch (sau đây gọi là “Nghị định 123/2015/NĐ-CP”);


4. Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch (sau đây gọi là “Thông tư 04/2020/TT-BTP).


II. NỘI DUNG


1. Giấy khai sinh là gì?


Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân. Nội dung khai sinh được xác định theo khoản 1 Điều 14 Luật Hộ tịch 2014 và khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, bao gồm những thông tin sau: 


- Thông tin của người được đăng ký khai sinh: 


+ Họ, chữ đệm và tên; dân tộc: Được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ theo quy định của pháp luật dân sự và được thể hiện trong Tờ khai đăng ký khai sinh; trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được, thì xác định theo tập quán.


+ Nơi sinh, giới tính: được xác định theo Giấy chứng sinh do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp; trường hợp không có Giấy chứng sinh thì xác định theo giấy tờ thay Giấy chứng sinh theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 của Luật Hộ tịch. 


+ Ngày, tháng, năm sinh: Được xác định theo Dương lịch.


+ Quê quán: Đước xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh.


+ Quốc tịch: Được xác định theo quy định của pháp luật về quốc tịch.


- Thông tin của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú.


- Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh: Được cấp khi đăng ký khai sinh.


2. Quy định về thêm, thay đổi tên cha trên giấy khai sinh của con


2.1. Thay đổi hộ tịch


* Khái niệm: Thay đổi hộ tịch là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký thay đổi những thông tin hộ tịch của cá nhân khi có lý do chính đáng theo quy định của pháp luật dân sự hoặc thay đổi thông tin về cha, mẹ trong nội dung khai sinh đã đăng ký theo quy định của pháp luật (Khoản 10 Điều 4 Luật Hộ tịch 2014).


* Phạm vi thay đổi hộ tịch (Điều 26 Luật Hộ tịch 2014) gồm:


- Thay đổi họ, chữ đệm và tên của cá nhân trong nội dung khai sinh đã đăng ký khi có căn cứ theo quy định của pháp luật dân sự.


- Thay đổi thông tin về cha, mẹ trong nội dung khai sinh đã đăng ký sau khi được nhận làm con nuôi theo quy định của Luật nuôi con nuôi.


Theo đó, việc thay đổi tên cha trên giấy khai sinh của con là hành vi thay đổi hộ tịch và chỉ được thực hiện trong phạm vi thay đổi hộ tịch nêu trên. Vì vậy, việc thay đổi thông tin về cha, mẹ trong nội dung khai sinh đã đăng ký chỉ được thực hiện sau khi người con được nhận làm con nuôi theo quy định của Luật nuôi con nuôi.


Như vậy, khi nhận cha cho con không được thay đổi thông tin về cha, mẹ trong nội dung khai sinh của con theo thủ tục thay đổi hộ tịch.


2.2. Bổ sung hộ tịch


* Khái niệm: Bổ sung hộ tịch là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền cập nhật thông tin hộ tịch còn thiếu cho cá nhân đã được đăng ký (khoản 12 Điều 4 Luật Hộ tịch 2014).


* Bổ sung hộ tịch khi nhận cha cho con:


- Trường hợp đã đăng kí khai sinh nhưng không có thông tin về người cha: Theo khoản 2 Điều 16 Thông tư 14/2020/TT-BTP thì trường hợp con do người vợ sinh ra trước thời điểm đăng ký kết hôn, đã được đăng ký khai sinh nhưng không có thông tin về người cha, nay vợ chồng có văn bản thừa nhận là con chung thì không phải làm thủ tục nhận cha, con mà làm thủ tục bổ sung hộ tịch để ghi bổ sung thông tin về người cha trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh của người con. Đồng thời, khoản 2 Điều 18 Thông tư 14/2020/TT-BTP sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 04/2024/TT-BTP quy định giấy tờ hộ tịch được cấp hợp lệ mà thông tin hộ tịch còn thiếu thì được bổ sung, nếu có giấy tờ, tài liệu do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hợp lệ chứng minh. Như vậy, giấy khai sinh đã cấp nhưng chưa có thông tin về người cha có thể được bổ sung theo quy định.


Theo Điều 29 Luật Hộ tịch 2014, để thêm tên cha vào giấy khai sinh của con trong trường hợp này, người có yêu cầu cần nộp tờ khai theo mẫu quy định cùng các giấy tờ liên quan tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã đăng ký khai sinh trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện (nếu có yếu tố nước ngoài).


- Trường hợp đã đăng ký khai sinh và thông tin về người cha trên giấy khai sinh không phải người cha sau khi nhận cha cho con:


Trước hết, cần làm phải làm thủ tục thay đổi hộ tịch, cụ thể là xóa tên cha trên giấy khai sinh. Theo khoản 2 Điều 88 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định. Sau khi có quyết định của Tòa án, nộp quyết định công nhận có hiệu lực pháp luật của Tòa án đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết thay đổi hộ tịch để yêu cầu xóa tên cha trong giấy khai sinh. 


Xóa tên người cha trong giấy khai sinh của con không mâu thuẫn với quy định về phạm vi thay đổi hộ tịch tại Điều 26 Luật Hộ tịch 2014. Việc này thuộc trường hợp thay đổi khi có lý do chính đáng tại khoản 10 Điều 4 Luật Hộ tịch 2014.


Như vậy, người có yêu cầu cần thực hiện các bước sau:


- Nộp hồ sơ yêu cầu Tòa án có thẩm quyền xác định không có quan hệ cha con;


- Nộp tờ khai theo mẫu quy định, Quyết định có hiệu lực của Tòa án và các giấy tờ liên quan cho cơ quan đăng ký hộ tịch để xóa tên người cha hiện tại trên giấy khai sinh (theo Điều 28 Thông tư 14/2020/TT-BTP).


Sau đó, thực hiện thủ tục bổ sung hộ tịch để cập nhật thông tin về người cha mới trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh của người con theo khoản 2 Điều 16 và Điều 29 Thông tư 14/2020/TT-BTP.



Tóm lại, việc bổ sung hoặc thay đổi tên cha trên giấy khai sinh sau khi nhận con là hoàn toàn có thể thực hiện theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nếu giấy khai sinh đã có tên người cha trước đó, thì thủ tục thay đổi sẽ phức tạp hơn, yêu cầu tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp lý. Cụ thể, người có yêu cầu phải thực hiện thủ tục xóa tên cha cũ trước khi bổ sung thông tin cha mới theo đúng quy trình thay đổi hộ tịch.

| 👁 108